Ngày 29/5/2024, trên địa bàn huyện Cam Lâm vừa ghi nhận 01 trường hợp nam thanh niên 36 tuổi mắc Viêm não Nhật Bản trú tại thôn Lập Định 1, xã Cam Hòa. Đây là ca mắc đầu tiên trên địa bàn huyện từ trước đến nay. Ca mắc này hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh Viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút VNNB gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Tất cả mọi người nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não nhật bản đều có thể mắc bệnh. Tuy vậy bệnh VNNB chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 2 đến 8 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do trước đây chưa từng được tiêm chủng.
Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua trung gian muỗi đốt (muỗi hút máu động vật bị nhiễm vi rút, khi muỗi đốt vào người, sẽ truyền bệnh cho người). Cụ thể là loài muỗi Culex, muỗi này thường sinh sản và trú đậu ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên được gọi là muỗi đồng ruộng. Bệnh VNNB lưu hành trong cả nước. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước, kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn. Muỗi thường hoạt động vào buổi tối, sinh sản và phát triển nhiều vào mùa hè, đỉnh điểm dịch vào tháng 5, 6, 7 – đây cũng là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Bệnh thường có biểu hiện cấp tính, khởi phát với các triệu chứng như sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt, và có rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau (vật vã, mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt). Với trẻ nhỏ các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, có giật, có cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao từ 25 – 35% hoặc di chứng thần kinh nghiêm trọng vĩnh viễn thường chiếm hơn 50% người mắc bệnh, thường sẽ bị tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm của VNNB như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm bể thận – bàng quang, loét nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tâm thần, ….
Vì tính chất nghiêm trọng của bệnh và nguy cơ bùng phát dịch VNNB trên địa bàn xã Cam Hoà nói riêng cũng như trên địa bàn huyện Cam Lâm nói chung. Do đó để chủ động phòng ngừa bệnh VNNB, tất cả người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Hãy đưa trẻ từ 01 đến 05 tuổi đến Trạm Y tế hoặc các cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng bệnh VNNB: tiêm mũi 1 lúc trẻ được 12 tháng tuổi, tiêm mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, tiêm mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một mũi cho đến khi trẻ trên 15 tuổi.
Hai là, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng giá súc xã nhà ở. Loại bỏ các ổ lăng quăng, bọ gậy. Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua muỗi, diệt muỗi.
Ba là, khi có các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, mất ngủ, quấy khóc, mê sảng,…. thì phải đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ em và cộng đồng, toàn dân hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh nêu trên và cho trẻ đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh Viêm não Nhật Bản nói riêng.
“Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh viêm não Nhật Bản”