Các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường

0
721

Người bị bệnh tiểu đường cần thay đổi thói quen ăn uống, luyện tập để kiểm soát tốt được mức đường máu và cần phải kết hợp với dùng thuốc, việc chỉ định dùng thuốc là do bác sĩ điều trị quyết định

 

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một nhóm các bệnh chuyển hoá có đặc điểm là tăng glucose máu, hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin, khiếm khuyết trong hoạt động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose máu thường kết hợp với sự huỷ hoại, sự rối loạn chức năng và sự suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.

Với người bệnh đái tháo đường, việc kiểm soát đường máu tốt là vô cùng quan trọng! Nếu như việc thay đổi thói quen ăn uống và luyện tập chưa kiểm soát tốt được mức đường máu thì cần phải kết hợp với dùng thuốc, việc chỉ định dùng thuốc là do bác sĩ điều trị của bạn quyết định.

Thuốc điều trị bệnh đái tháo đường có thuốc uống hạ đường máu và insulin để kiểm soát lượng đường khi thực hiện chế độ ăn và tập thể dục không kiểm soát được đường máu.

Mục tiêu điều trị: Mục tiêu kiểm soát đường máu theo  ADA 2010
– HbA1c < 7% được coi là mục tiêu chung cho cả ĐTĐ týp 1 và týp 2.

– Glucose máu lúc đói nên duy trì ở mức: 3,9 – 7,2 mmol/L (70 – 130mg/dl).

– Glucose máu sau ăn 2 giờ <10mmol/L (<180mg/dl).
Sử dụng Insulin như thế nào

Cơ sở sử dụng insulin: Người bệnh đái tháo đường týp 1 phụ thuộc vào insulin ngoại sinh để tồn tại. Ngược lại, người bệnh đái tháo đường týp 2 không phải phụ thuộc insulin ngoại sinh để tồn tại. Nhưng sau một thời gian mắc bệnh nhiều người đái tháo đường týp 2 có giảm sút khả năng sản xuất insulin, đòi hỏi phải bổ sung insulin ngoại sinh để kiểm soát glucose máu một cách đầy đủ.

Phân loại Insulin: Sử dụng insulin để đạt được hiệu quả kiểm soát chuyển hoá glucose tốt nhất đòi hỏi sự hiểu biết về khoảng thời gian tác dụng của các loại insulin khác nhau.

Loại Insulin Tên biệt dược Đường tiêm Màu sắc
Tác dụng nhanh Apart (NovoLog)

Lispro ( Humalog)

Tiêm tĩnh mạch/
Tiêm dưới da
Trong
Tác dụng ngắn Insulin Actrapid HM
Humulin R
Scilin R
Tiêm tĩnh mạch/
Tiêm dưới da
Trong
Tác dụng trung bình Insulatard HM
Humulin N
Scilin N
Tiêm dưới da Đục
Tác dụng kéo dài Glargin (Lantus)
Determir (Levermir)
 
Tiêm dưới da Trong
Hỗn hợp Insulin Mixtard HM 30/70

Humulin M70/30
Scilin M30
NovoMixt

Tiêm dưới da Đục

Liều tiêm Insulin: bất kỳ phác đồ điều trị nào thích hợp phải được xem xét cho từng đối tượng bệnh nhân riêng biệt và phải được đánh giá lại liên tục. Thông thường phác đồ đơn giản nhất đạt được mục tiêu điều trị sẽ được lựa chọn để áp dụng. Hầu hết người bệnh đái tháo đường týp 1 cần ít nhất 2 lần tiêm insulin một ngày và nhiều người cần đến 3 – 4 lần tiêm một ngày. Trường hợp cần điều trị với 1 hoặc 2 mũi tiêm hàng ngày, thường kết hợp với các thuốc hạ glucose máu bằng đường uống ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2.

Quy trình tiêm: Insulin nên được tiêm vào tổ chức dưới da. Người bệnh có thể tự tiêm bằng cách kéo nhẹ da lên và tiêm ở góc 90 độ. Những người gầy hoặc trẻ em có thể dùng kim ngắn hoặc có thể véo da lên và tiêm góc 45 độ để tránh tiêm vào cơ, đặc biệt ở vùng đùi. Sau khi dùng bút tiêm insulin, kim nên lưu lại trong da 5 giây sau khi đã ấn toàn bộ bơm tiêm pittông để đảm bảo cung cấp toàn bộ liều insulin. Tiêm insulin vào tổ chức dưới da của bụng thường được ưa dùng, nhưng cũng có thể tiêm mông, đùi hoặc cánh tay. Không nên sử dụng đường tiêm insulin vào bắp hàng ngày. Thay đổi vị trí tiêm là cần thiết để ngăn ngừa phì đại hoặc teo tổ chức mỡ dưới da tại nơi tiêm. Người ta thường quay vòng trong một vùng (ví dụ quay vòng trong các mũi tiêm có hệ thống trong vùng bụng) hơn là quay vòng trong những vùng khác nhau mỗi lần tiêm. Những vùng phì đại mỡ thường hấp thu insulin chậm hơn.

Bảo quản insulin: Lọ insulin không được sử dụng nên để vào tủ lạnh (ngăn mát). Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp và lắc nhiều có thể làm hỏng insulin. Insulin đang sử dụng có thể giữ ở nhiệt độ phòng để hạn chế gây kích thích vị trí tiêm.

Một số lưu ý khi sử dụng Insulin:

+ Insulin tác dụng nhanh nên được tiêm ngay trước hoặc sau bữa ăn. Insulin tác dụng trung gian hoặc hỗn hợp cần được lăn tròn lọ thuốc trước khi sử dụng.

+ Không được trộn lẫn với bất kỳ loại insulin khác trong cùng bơm tiêm do pH không tương thích.
+ Insulin cũng có thể gây dị ứng với biểu hiện sẩn ngứa trên da, ngứa tại chỗ tiêm insulin.

+ Ngăn ngừa tình trạng hạ đường máu quá mức bằng cách tiêm đúng liều theo chỉ định của bác sĩ và không được bỏ bữa ăn.

Các thuốc viên uống hạ đường máu

Các thuốc uống hạ đường máu có tác dụng như thế nào? Thuốc uống hạ đường máu có thể làm cho tuyến tuỵ tiết nhiều insulin hơn, giúp gan giảm sản xuất đường, làm cho các cơ sử dụng nhiều đường, hoặc làm chậm sự phân huỷ tinh bột thành đường.

Có những thuốc uống nào để điều trị đái tháo đường týp 2? Có các nhóm thuốc uống điều trị đái tháo đường và một số loại thuốc uống kết hợp hai loại thuốc. Mỗi nhóm thuốc có một cách tác dụng khác nhau giúp kiểm soát đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường.

Thuốc kích thích tuỵ tiết insulin

Nhóm thuốc này có tác dụng kích thích tuỵ tiết insulin, bao gồm nhóm Sulfonylurrea và nhóm glinides.

Nhóm sulfonylurea có các thuốc như: gliclazid (Diamicron MR 30mg, Diamicron 80mg, Predian 80mg. Glimepirid (Amaryl 2- 4 mg). Glibenclamid (Glibenhexal 3,5mg). Glyburide (1,25/ 2,5/ 5mg). Glipizide (Glucotrol 5/10mg). Thuốc được dùng trước bữa ăn, có thể uống 1 – 2 lần/ngày tùy thuộc từng loại thuốc cụ thể. Tác dụng phụ hay gặp: hạ đường máu quá mức. Không dùng được nhóm thuốc này cho người bị đái tháo đường týp 1, phụ nữ đái tháo đường mang thai, suy gan, suy thận nặng.

Nhóm glinides (Meglitinide): tác dụng của thuốc giống sulfonylureas nhưng ngắn hơn và yếu hơn. Thuốc được hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, và được chuyển hoá hoàn toàn ở gan. Thời gian bán huỷ là dưới 1 giờ, nên gây tăng insulin nhanh và trong thời gian ngắn. Uống thuốc 1-10 phút trước bữa ăn, thường là bữa chính. Hiện nay có một số thuốc như: meglitinide (Starlix), repaglinide (Prandin, Novonorm viên 1 và 2mg). Thuốc có thể dùng được cho bệnh nhân suy thận hoặc bệnh nhân lớn tuổi. Thuốc có thể gây tăng cân, gây hạ đường máu nhưng ít hơn sulfonylurea.

Biguanide: Thuốc duy nhất còn sử dụng làm metformin (1,1-dimethylbiguanide hydrochloride).

– Tác dụng chủ yếu là ức chế sản xuất đường từ gan và tăng tính nhạy cảm của cơ thể đối với insulin.

– Hiệu quả là làm giảm đường máu.

– Thường dùng giữa hoặc sau bữa ăn để tránh tác dụng không mong muốn (như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng có thể xảy ra trong những ngày đầu dùng thuốc).

– Ưu điểm: Metformin không gây tăng cân và có thể cải thiện mức độ cholesterol. Nó không gây ra hạ đường máu khi sử dụng một mình.

– Tác dụng phụ hay gặp là buồn nôn, tiêu chảy, hoặc mất cảm giác ngon miệng. Nhiễm toan lactic là tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng rất hiếm.

– Metformin có thể không phù hợp khi bệnh nhân có suy thận, hoặc các bệnh lý về hô hấp nặng, bệnh nhân 80 tuổi trở lên, đang dùng thuốc điều trị suy tim, có tiền sử bệnh gan, uống rượu quá nhiều.

– Có thể điều trị kết hợp với thuốc sulfonylurea hoặc insulin.
Thiazolidinediones

– Thuốc làm tăng nhạy cảm của cơ và tổ chức mỡ với insulin bằng cách hoạt hoá PPARγ, vì vậy làm tăng thu nạp glucose từ máu. Thuốc làm tăng nhạy cảm của insulin ở cơ vân, đồng thời ngăn cản quá trình bài tiết glucose từ gan.

– Loại thuốc chính sẵn có là Pioglitazone, thuốc này có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc khác hoặc insulin. Tác dụng phụ bao gồm tăng cân, giữ nước và rối loạn chức năng gan. Khi dùng thuốc xét nghiệm chức năng gan nên được làm thường quy 2 tháng 1 lần.

Các thuốc có ảnh hưởng đến hấp thu glucose (Alpha-Glucosidase Inhibitor) ức chế hấp thu đường, làm giảm đường máu sau ăn.

– Thuốc nhóm này có: Glucobay (50 mg và 100mg).
– Tác dụng phụ thường gặp: đầy hơi và tiêu chảy.

– Thuốc cần sử dụng phối hợp với một loại hạ glucose máu khác.  Thuốc được uống ngay trong khi ăn.

– Ưu điểm: thường không gây tăng cân, không gây ra biểu hiện hạ đường máu khi được sử dụng một mình.

– Lưu ý: Bởi vì các thuốc này làm việc trực tiếp trong ruột, những người có viêm đường ruột, bệnh đường ruột khác không nên dùng chúng.

– Thường được sử dụng phối hợp với một số thuốc tiểu đường khác.
Nhóm các thuốc tác dụng trên hệ incretin

– Các thuốc đồng phân GLP-1 (Glucagon – like Peptide 1): Có tác dụng kích thích tiết insulin khi nồng độ đường máu tăng lên sau ăn. Hậu quả là làm giảm đường máu sau ăn. Tác dụng phụ: Buồn nôn gặp ở 15 – 30% BN (thường tự hết), hạ đường máu có thể xảy ra khi dùng cùng thuốc kích thích tiết insulin.

– Thuốc ức chế DPP IV: Có tác dụng kích thích tiết insulin khi nồng độ đường máu tăng lên sau ăn. Ưu điểm: không gây tăng cân. Tác dụng phụ thường gặp: thỉnh thoảng có thể gây khó chịu dạ dày và tiêu chảy, đau đầu, đau họng. Lưu ý: nếu có vấn đề về thận, cần được giảm liều.

Làm thế nào thuốc điều trị đái tháo đường có thể giúp kiểm soát đường máu

Nói chung, thuốc đái tháo đường sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người bị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, các loại thuốc này đạt hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng phối hợp với chế độ ăn và tập thể dục.

Bệnh nhân không tự động điều chỉnh liều thuốc điều trị đái tháo đường nếu không có hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý bỏ thuốc, không rút bớt mũi tiêm insulin. Bệnh nhân nên tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.

Tốt nhất bệnh nhân phải tự theo dõi đường máu thường xuyên.
Bạn cũng nên biết rằng:

+ Chế độ ăn uống và tập thể dục là chìa khoá để quản lý bệnh đái tháo đường.

+ Thuốc uống điều trị đái tháo đường đôi khi không có tác dụng sau một vài tháng hoặc nhiều năm.

+ Chuyển đổi một thuốc điều trị đái tháo đường cũng như  phối hợp thêm thuốc vào điều trị hiện tại của bạn là cần thiết khi các thuốc đang điều trị không đạt được mục tiêu kiểm soát đường máu.

+ Ngay cả khi thuốc uống điều trị đái tháo đường đem lại lượng đường trong máu của bạn ở gần mức bình thường, bạn vẫn có thể cần dùng insulin nếu bạn có một nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc cần thiết phải phẫu thuật.

+ Nếu bạn dự định có thai, bạn nên chuyển sang tiêm insulin cho đến khi em bé được sinh ra.

+ Không có thuốc “tốt nhất” hoặc điều trị cho bệnh đái tháo đường týp 2.

Bạn có thể phải cần nhiều hơn một loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường hoặc một sự kết hợp của thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Điều trị đái tháo đường có thể sử dụng một loại thuốc đơn độc hay phối hợp nhiều loại thuốc với nhau, có thể tiêm insulin hoặc phối hợp giữa thuốc uống với tiêm insulin. Bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ nào cho phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai