Ca ghép tim gan xuyên Việt đã thành công mỹ mãn.

0
514

Sau liên tiếp những thành tựu của nền y học Việt Nam, thêm một lần nữa dấu ấn từ sự thành công của hai ca ghép tim, gan ở BV Việt Đức (Hà Nội) từ người cho chết não tại BV Chợ Rẫy (TP HCM) không chỉ mang lại cơ hội sống cho hai bệnh nhân bị suy tim và xơ gan mà còn khiến cho cả thế giới ngưỡng mộ…

Hành trình gian nan của ca hiến tạng và cuộc chạy đua với thời gian
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên GĐ BV Việt Đức, người trực tiếp tham gia và chỉ đạo ca ghép tạng được mang từ TP HCM ra Hà Nội rạng sáng ngày 5/9 cho biết, cả 2 bệnh nhân được ghép tạng đều là người Hà Nội, trong đó bệnh nhân ghép gan là Trần Ngọc H., 59 tuổi bị ung thư gan và xơ gan giai đoạn cuối, bệnh nhân ghép tim, 37 tuổi suy tim giai đoạn cuối do giãn cơ tim, thời gian sống chỉ được tính bằng ngày. 2 bệnh nhân này đều có tên trong danh sách chờ ghép tạng đã lâu nhưng chưa tìm được người phù hợp.

Cơ hội đã đến với hai bệnh nhân vào ngày 3/9. Thông tin từ  BV Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết có bệnh nhân chết não và được gia đình đồng ý hiến tạng. Tuy nhiên, tại bệnh viện này chỉ sử dụng thận để ghép cho bệnh nhân, còn lại nguồn tim và gan không dùng đến.

Ngay sau đó, BS Dư Thị Ngọc Thu- Giám đốc trung tâm điều phối hiến, ghép tạng của BV Chợ Rẫy đã gọi điện cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng báo thông tin này và thông tin được chuyển về Việt Đức và BV 103, BV Bạch Mai và BV TW Huế. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, BV Việt Đức hội tụ đầy đủ các điều kiện hơn cả vì có 3 bệnh nhân tương thích và có các ê kíp y bác sĩ đã sẵn sàng cho việc lấy, ghép tạng


Các bác sĩ đang tiến hành ghép tạng cho bệnh nhân
PGS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, ban đầu ca ghép gan dự định cho một bệnh nhân 32 tuổi bị xơ gan, ung thư gan, tuy nhiên khi kiểm tra kĩ, các bác sĩ phát hiện đã có di căn lên phổi nên không thể tiến hành. Khối gan sau đó được ghép cho bệnh nhân Trần Ngọc H., 59 tuổi.

14h30 ngày 4/9, kíp bác sĩ BV Việt Đức do đích thân 2 chuyên gia đầu ngành về ghép tạng là GS Trịnh Hồng Sơn, PGĐ BV Việt Đức- Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia hiến ghép tạng và PGS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch đã đáp chuyến bay của Vietjet Air vào BV Chợ Rẫy lấy tạng. “Theo đúng lịch, chúng tôi phải bay chuyến 16h30 nhưng rất may mắn đã được hãng hàng không tạo điều kiện để bay sớm hơn 2 tiếng và khi vào đến Chợ Rẫy, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất xong xuôi nên việc lấy tạng hết sức suôn sẻ”. Đến 17h30 cùng ngày, khối tim, gan được lấy ra khỏi bệnh nhân chết não, ngay lập tức được quấn gạc, bỏ vào túi nilon chứa dung dịch đặc biệt rồi bao đá xung quanh và đưa thẳng tới sân bay.

Song song với thời điểm lấy tạng, một nhóm bác sĩ BV Chợ Rẫy liên hệ với Cục hàng Không làm thủ tục an ninh lên máy bay. Tất cả đều chạy đua với thời gian từng phút một. Tuy nhiên phải đến 21h, chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội mới cất cánh. Lúc này một xe cấp cứu tại đầu Hà Nội đã được chuẩn bị sẵn sàng tại sân bay, đưa khối tim, gan về Việt Đức lúc 23h30 ngày 4/9.

Nhóm các bác sĩ được chuẩn bị quần áo mổ, bánh mỳ ngay trên xe cứu thương để tiết kiệm tối đa thời gian. Trong suốt quá trình vận chuyển từ BV Chợ Rẫy ra BV Việt Đức, các bác sĩ đã phải nhiều lần bơm thêm dung dịch bảo quản cho 2 khối tim, gan.

Sự thành công của phép màu
Đây có lẽ là điều mà nhiều y bác sĩ đều nói đến khi đề cập đến ca ghép gan, tim có hành trình dài nhất Việt Nam từ trước đến nay này. Theo như ThS Nguyễn Hoàng phúc- Phó giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, đó là phép màu của rất nhiều yếu tố khi một người chết não đã tự nguyện dâng hiến sự sống cho đời; đó là phép màu của sự phù hợp các chỉ số giữa người cho và người nhận để hai tạng được hiến trở nên có ý nghĩa thiết thực; đó là phép màu của việc các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” về cả yếu tố book vé máy bay bất ngờ, rồi máy bay không bị delay và thời tiết thuận lợi nên máy bay hạ cánh đúng như dự báo… Và trên tất cả đó là phép màu của những bàn tay tài hoa và khả năng ứng dụng kỹ thuật cao trong hiến ghép mô tạng của thầy thuốc Việt Nam.

Bệnh nhân sau ghép tim đang nằm điều trị tại Khoa Can thiệp tim mạch- BV Việt Đức
Tâm sự của những người trực tiếp cầm dao mổ
GS Trịnh Hồng Sơn cho biết trong suốt khoảng thời gian trước và sau khi xuống máy bay, điện thoại của ông phải sạc liên tục để giữ thông suốt với đầu Hà Nội, phân việc cho từng người, căn chỉnh thời gian mở lấy khối tạng hư cũng như lên kế hoạch cho các bộ phận hồi sức, phẫu thuật, tim mạch, thần kinh chuẩn bị sẵn sàng. Thậm chí đã chỉ đạo chuẩn bị cả tình huống xấu nhất. “Điều chúng tôi lo lắng nhất là hành trình bị kéo dài quá lâu, tạng bị hoại tử tế bào, không thể ghép cho bệnh nhân. Tuy nhiên rất may mắn khi làm xét nghiệm tại Việt Đức, các chuyên gia sinh thiết khẳng định không có tế bào hoại tử”.

BS Đào Kim Dung, người tham gia trực tiếp ca phẫu thuật cũng cho biết, đến giờ vẫn chưa hết hồi hộp khi đọc lại từng tin nhắn thông báo hành trình cũng như những cuộc gọi điện thoại của mọi người với nhau, BS Dung kể “Tối hôm đó, các bác sĩ BV Chợ Rẫy trước khi lên máy bay còn bảo chúng tôi nếu máy bay bị rơi hay mất liên lạc hãy mời khoa chẩn đoán hình ảnh lên để chiếu xạ khối u gan cho bệnh nhân. Các phương pháp dự phòng cũng đã được tính đến”.

Bệnh nhân ghép gan đang được bác sĩ chăm sóc
Ngay sau khi về đến Việt Đức, GS Sơn và GS Ước lao ngay vào phòng mổ phối hợp cùng hơn 60 y bác sĩ tại đây thực hiện ca ghép tim, gan xuyên đêm.
Sau 6,5 giờ cho ca ghép tim và 7,5 giờ cho ca ghép gan, đến khoảng 5h sáng 5/9, cả 2 ca ghép đều hoàn tất. Đến chiều cùng ngày, sức khoẻ 2 bệnh nhân nói trên đã cơ bản ổn định, có thể tự thở và được chuyển về phòng hồi sức của bệnh viện.

Đến sáng 7/9, 2 bệnh nhân đã có thể tự ăn uống và nói chuyện được. Theo GS Nguyễn Tiến Quyết, nếu không có gì thay đổi, khoảng 10 ngày nữa 2 bệnh nhân sẽ được xuất viện. “Chúng tôi đã vô cùng căng thẳng nhưng đến giờ hoàn toàn có thể thở phào. Cảm giác bây giờ là vô cùng hạnh phúc và sung sướng”.

Theo PGS Nguyễn Hữu Ước, để thực hiện thành công ca ghép tim gan “đặc biệt” này là sự đoàn kết của một tập thể  các bác sĩ giữa các đơn vị (BV Chợ Rẫy – BV Việt Đức – Trung tâm điều phối tạng quốc gia). Tính từ lúc lấy tạng ra khỏi bệnh nhân chết não tại BV Chợ Rẫy đến khi mang về BV Việt Đức ghép cho bệnh nhân thì thời gian ghép tim là 6,5 giờ và gan là 7,5 giờ. Khoảng thời gian này cho thấy cường độ làm việc của các y, bác sĩ là vô cùng khẩn trương, nhịp nhàng để đảm bảo tối đa việc phần tạng ghép cho bệnh được mang về và thực hiện các ca ghép trong thời gian ngắn nhất. Vì vậy, chúng ta có thể tự hào về sự phát triển vượt bậc của ngành y học Việt Nam và đặc biệt gửi lời cảm ơn đến tập thể các y bác sĩ trên khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm bảo vệ sức khỏe, cuộc sống cho người dân.
Benh.vn