Y tá Mỹ thứ hai xuất viện, Obama tin Ebola sẽ bị đánh bại

0
397
Y tá Mỹ thứ hai bị nhiễm Ebola vừa xuất viện sau một thời gian điều trị. Tổng thống Barack Obama ca ngợi đây là dấu hiệu cho thấy loại virus chết người này “sẽ bị đánh bại”.
vinson1-2328-1414571538.jpg

Y tá Vinson ôm hôn các bác sĩ chăm sóc cho mình trước khi rời bệnh viện Emory ở Atlanta, Georgia hôm nay. Ảnh: Reuters

“Tôi rất biết ơn khi mình đã khỏe mạnh”, y tá Amber Vinson, 29 tuổi, nói tại bệnh viện ở bang Georgia. “Tình yêu của Chúa đã thực sự giúp tôi và gia đình vượt qua quãng thời gian khó khăn này”.

Vinson bị nhiễm virus trong quá trình chăm sóc cho một bệnh nhân Ebola người Liberia. Cô được xác định dương tính với virus ngay sau khi đi máy bay cùng hơn 100 người khác. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng dịch Ebola có thể sớm bùng phát ở Mỹ.

Tuy nhiên, cả Vinson và y tá Mỹ đầu tiên bị nhiễm Ebola Nina Phạm đều đã được chữa trị thành công tại các bệnh viện chuyên khoa.

Theo Telegraph, Tổng thống Barack Obama đã nói chuyện với Vinson ngay sau khi cô ra viện và nói với các phóng viên rằng cô “khỏe”. Ông Obama xem trường hợp của y tá này là một cơ hội để trấn an người dân Mỹ về khả năng đối phó với dịch bệnh của chính phủ.

“Trong 7 người Mỹ được chữa trị Ebola cho đến nay, tất cả đều sống sót”, ông Obama nói.

Craig Spencer, một bác sĩ New York bị nhiễm virus trong khi chăm sóc cho các bệnh nhân Ebola ở Guinea, hiện là người Mỹ duy nhất mắc bệnh. Tình trạng của anh khá nghiêm trọng nhưng đã ổn định.

“Dịch bệnh này có thể khống chế được”, Obama nói. “Nó sẽ bị đánh bại. Tiến bộ này là có thể, nhưng chúng ta sẽ phải thận trọng và chúng ta phải đảm bảo hợp tác cùng nhau”.

Tổng thống cũng khiển trách các thống đốc bang New York, New Jersey và Illinois vì đã áp đặt lệnh cách ly 21 ngày với các nhân viên y tế từ Tây Phi trở về. Các bang khẳng định rằng biện pháp này là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus ở Mỹ, tuy nhiên Nhà Trắng cảnh báo điều đó có thể làm nhụt chí các tình nguyện viên đến châu Phi để chiến đấu với dịch bệnh này.

Ông Obama mô tả các tình nguyện viên của Mỹ đang làm “công việc của Chúa”. “Chúng tôi không muốn các nhân viên y tế của chúng ta nản lòng khi tiến ra chiến trường”, ông nói. “Nếu họ thành công thì chúng ta sẽ không phải lo lắng về Ebola ở đây”.

Nguồn vnexpress Anh Ngọc